Khi tôi mới đi làm, tôi có dịp ngồi trò chuyện thân tình với Sếp, tôi hỏi: "Anh mở công ty để làm gì thế?" Thật sự tôi muốn hỏi kháy vì tôi biết chắc anh ấy không thể thoát được ngoài trả lời là kiếm được nhiều tiền.
Anh ấy nhìn tôi với ánh mắt trìu mến và rất sáng và nói: "Anh làm vì một sự đam mê, muốn dịch vụ mình cung cấp có thể làm điều gì đó có ích cho đất nước và tạo được thật nhiều công ăn việc làm cho mọi người, điều đó hạnh phúc lắm em ạh".
Lúc đó tôi nghe cũng chưa hiểu lắm đến khi tôi khởi nghiệp và trở thành doanh nhân tôi mới hiểu được phần nào.
Thống kê cho thấy chỉ có 5% nhân viên hiểu
và chia sẻ được công việc Sếp họ đang làm
Người đứng đầu một doanh nghiệp chưa hẳn là người giàu có nhất, cũng không hẳn là tài giỏi nhất, nhưng hơn ai hết, họ hiểu rõ trách nhiệm mà mình gánh trên vai không chỉ là điều hành cả một doanh nghiệp, tập đoàn mà còn là công việc, cuộc sống của những nhân viên đang ngày ngày đồng hành cùng họ. Nếu hiểu hết được cái tâm và những trăn trở trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày của những doanh nhân, hẳn bạn sẽ một cái nhìn khác về họ, những người chèo lái con thuyền doanh nghiệp vững vàng trước những sóng gió thương trường
Tôi có tham gia nhiều hội doanh nhân, nên cũng có nhiều bạn bè trong nhóm làm doanh nhân, nghe được nhiều tâm sự của họ.
Sếp đôi khi là người lo cho bạn còn hơn gia đình của họ
Anh Ngọc, một giám đốc một cty về kết cấu thép than thở rằng: Đầu năm nay chưa gì đã phải cầm xe và nhà hết rồi, giờ hết cái để cầm. Chỉ mong sao tiền vay ngân hàng có thể trả đủ lương cho nhân viên qua giai đoạn khó khăn này. Nếu trả chậm lương cho nhân viên mình áy náy lắm. Nhân viên mình còn phải trả tiền thuê nhà, tiền lo cho con cái… mình khổ cũng được chứ không để cả chục nhân viên mình khổ theo mình. Hy vọng rằng qua tháng tới, thị trường hội phục thì mình có thể có thêm hợp đồng và trả nợ vay ngân hàng, nhân viên cũng ổn định công việc chứ không thất nghiệp, để họ mất việc là mình cảm thấy thật sự có lỗi.
Trong bối cảnh khủng hoảng, chúng ta chứng kiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản hay tạm thời đóng cửa, phía sau những con số khô khan này, là hàng trăm ngàn người lao động mất việc, cuộc sống của hàng trăm ngàn gia đình bị ảnh hưởng. Tôi tin rằng, khi đóng cửa công ty, khai tử thành quả bao năm xây dựng, và phải chia tay với nhân viên, cộng sự đã gắn bó bao năm với mình, các “ông chủ” đã trải qua những quyết định đau đớn, sau hàng tháng, hằng năm mất ngủ. Đứng trước những khó khăn, những doanh nhân - người lãnh đạo doanh nghiệp luôn phải giữ vững bản lĩnh, ý chí và cái nhìn lạc quan.
Tôi đã từng ngưỡng mộ một “Bầu Đức” với cơ ngơi sự nghiệp kêch xù, những thương vụ đình đám trong làng bóng đá như mua cầu thủ nổi tiếng Kiatisuk, sở hữu phi cơ riêng hay danh hiệu người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008. Bạn có từng biết Đặng Lê Nguyên Vũ từng phải bỏ học, đi bán cà phê trên chiếc xe đạp cà tàng, từng lang thang ở đất Sài Gòn với không một đồng xu dính túi, giờ anh ấy đã xây dựng được một đế chế cà phê tại Việt Nam và đã bắt đầu đem thương hiệu cà phê ra thế giới. Hẳn là nhiều người cũng như tôi, đọc hàng trăm bài viết về những doanh nhân nổi tiếng và choáng ngợp trước sự thành công của họ. Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu bạn tìm hiểu về con đường họ đi, những gì họ đã trải qua, bạn sẽ thấy được bản lĩnh và nghị lực của họ còn đáng ngưỡng mộ hơn là những thành công mà bạn nhìn thấy.
Chắc chắn họ không làm chỉ vì tiền, họ làm với tất cả sự đam mê và mưu cầu thật nhiều hạnh phúc cho thật nhiều người và làm cuộc sống mọi nơi tốt đẹp hơn.
Tôi tin phần nhiều bạn đọc bài viết này đang có một người Sếp là doanh nhân, bạn có bao giờ nghĩ rằng là Sếp bạn đã giúp bản rất nhiều trong công việc cũng như cuộc sống, nhờ có Sếp mà bạn có một công việc tốt để nuôi sống bản thân mình và một phần gia đình của mình, Sếp cũng là người chịu trách nhiệm cũng như những thiệt hại mà bạn gây ra cho công ty, dù bạn có sai sót gì Sếp của bạn cũng là người đứng ra chịu trách nhiệm thay cho bạn, Sếp cũng là người giúp bạn có cơ hội được học tập và thăng tiếng trong sự nghiệp của mình…
Có nữ doanh nhân tâm sự với tôi rằng: nhiều khi nhân viên bị sai sót trong công việc, chị có la và nhắc nhở nhân viên, nhiều bạn không hiểu lại ghét chị ấy. Nhưng bạn ấy đâu biết rằng sai sót của bạn ấy gây thiệt hại cho công ty rất lớn như là mất hợp đồng cả trăm triệu, rồi nhiều khi sai sót do cẩu thả mà chị ấy bị khách hàng dùng những từ thậm tệ để trách mắng… nhưng trên tất cả là lòng vị tha và đồng cảm, vì đôi khi chị ấy cũng đã từng trải qua những điều như thế nên rất hiểu những hạn chế của các bạn trẻ.
Sếp của bạn có thể là một nữ doanh nhân nhân hậu (Ảnh minh họa)
Ngày 13/10 là ngày mà xã hội dành để ghi nhớ và tôn vinh các doanh nhân Việt Nam, những người ngày đêm thức khuya, dậy sớm để cùng làm giàu cho xã hội, làm cho xã hội tốt đẹp hơn và tạo thật nhiều việc làm cho mọi người. Nếu bạn có một người Sếp, người thân là doanh nhân, hãy gọi cho họ và nói về sự cảm kích từ tấm lòng của bạn cho họ nhé.
Ngọc Lệ - Phạm Dương